Nước mắm ngon với đặc trưng 3 miền
Nước mắm là thức chấm quen thuộc, là linh hồn của món ăn Việt, là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt Nam. Chỉ một chút nước mắm ngon sẽ giúp cho món ăn thêm đậm đà, tròn vị, là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của món ăn Việt so với thức ăn của các dân tộc khác trên thế giới.
Nếu người Tây phương cầu kỳ trong cách chế biến nước sốt thì người Việt lại tinh tế trong cách pha chế nước mắm. Với người Việt, chén nước mắm thể hiện tính cộng đồng và mực thước trong bữa ăn. Bởi, khi được đặt giữa mâm và ai cũng phải dùng thì bát nước chấm trở thành thước đo của sự ý tứ và trình độ văn hóa của mỗi người dùng bữa.
Nước mắm ngon là thứ thường không thể thiếu trong bữa ăn Việt. Tuy nhiên, hương vị nước mắm ở mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng, phù hợp với khẩu vị và phong cách ăn uống của vùng, miền đó.
Nước mắm nguyên chất ở cả ba miền (Bắc, Trung, Nam) tuy không khác nhau là mấy nhưng nước mắm pha thì có sự khác biệt rõ ràng, mỗi món ăn sẽ có những loại nước chấm phù hợp đi kèm.
Người Bắc thích pha loãng nước mắm với nước rồi thêm chút đường, giấm, chanh, tỏi, ớt, gừng băm, đôi khi có cả tiêu xay nữa. Nước mắm tỏi ớt có thêm đu đủ chua dùng cho bún nem hoặc bún chả, nước chấm (có hương) cà cuống cho bánh cuốn, nước mắm chua ngọt cho món gỏi, nước mắm gừng cho vịt luộc, ốc luộc,…

Người miền Nam thường dùng nước dừa xiêm để pha nước mắm. Dừa nên lựa trái vừa nạo, bởi dừa non quá nước dễ chua, dừa già nước sẽ chát. Nước dừa được đun nhẹ dưới ngọn lửa riu riu đến khi nước rút lại chỉ còn hai phần ba hoặc một nửa rồi dùng phần nước dừa ấy để pha nước mắm với chanh và đường mới ngon. Bát nước mắm chấm của người miền Nam thường được pha ngọt hơn so với miền Bắc.
Khác với hai miền Nam và Bắc, người miền Trung lại thích giữ sự đậm đà của nước mắm nguyên chất. Chỉ cần vắt chút chanh, không thêm nước (hoặc rất ít nước), là đạt.
Nước mắm và ớt
Nước mắm của người Việt không thể thiếu ớt, nhưng cách cho ớt vào nước mắm ở ba miền cũng khác nhau. Ở miền Bắc, ớt thường được cắt khoanh. Người miền Trung lại thích dầm ớt ra để khi ăn, có thể tận hưởng được mùi cay nồng của ớt và vị mặn mòi của nước mắm. Miền Nam thì khác, ớt được giã hoặc băm nhuyễn để nước mắm vừa có màu đỏ đẹp, lại có vị cay của ớt.
Nước mắm, những giọt lệ của biển, không chỉ là nét đặc trưng mà còn là niềm tự hào trong ẩm thực Việt Nam, không phải quốc gia nào có cá và muối biển cũng đều có thể làm được thứ nước mắm ngon và đặc trưng như vậy.
Cùng với “ao dai” và “banh chung”, việc sử dụng nguyên bản tiếng Việt “nuoc mam” trên sách báo nước ngoài đã khẳng định sự riêng có của nước mắm Việt.
Nước mắm thân thuộc với người Việt đã đành, nó không những khiến người Việt xa xứ luôn nhớ đến quê hương mà còn khiến người nước ngoài một khi đã quen, sẽ không quên được hương vị độc đáo ấy./.
Nguồn: sưu tầm